- Affiliate A bờ cờ
- Posts
- GAP YEAR Ở NGƯỜI ĐI LÀM, NÊN HAY KHÔNG?
GAP YEAR Ở NGƯỜI ĐI LÀM, NÊN HAY KHÔNG?
Sau đại dịch, trạng thái Gap year với người đi làm dần trở lên phổ biến hơn với đa dạng lựa chọn.
Gap year là lựa chọn thường được nhắc đến cho đối tượng là học sinh hoặc sinh viên muốn dừng lại để hoàn thành một mong muốn nào đó. Sau đại dịch, trạng thái Gap year với người đi làm dần trở lên phổ biến hơn với đa dạng lựa chọn.’
Gap year là gì ?
Gap year là khoảng thời gian 1 năm mà một người dành ra để thoát khỏi nhịp điệu cuộc sống đều đặn, dành nhiều thời gian hơn cho những nhu cầu khác của bản thân.
Gap year với người đi làm là khoảng thời gian khoảng 12 tháng mà họ dừng lại công việc thường nhật để có thể phát triển bản thân, thực hiện ước mơ hoặc hoàn thành những việc còn đau đáu trong lòng.
Nhưng, liệu có phải cứ nhất thiết là Gap year, có thể Gap months hoặc Gap weeks được không?
Có chứ, với người đi làm, sẽ khó hơn khi nghỉ dài một năm, nên việc nghỉ không lương 1 vài tháng cũng là một lựa chọn. Hoặc chỉ đơn giản là những quãng nghỉ phép năm trong vài tuần.
Lý do của gap year
Để đi đến lựa chọn Gap year ở người đi làm có thể xuất phát từ 1 trong hai nguyên nhân sau:
Công việc
Ngày nay, công việc có nhiều thay đổi, việc quản lý theo các mô hình cũ hoặc việc phân định không rõ ràng dễ dẫn đến tình trạng quá tải cho nhân viên.
Các tổ chức cố gắng tận dụng tối đa nguồn nhân lực để vượt qua những khó khăn do đại dịch hoặc suy thoái, khiến cũng khiến người lao động không có thời gian đủ để tái tạo lại năng lượng làm việc.
Công việc bận rộn với những việc không tên cũng có thể khiến ai đó tự đặt câu hỏi: mình đang thực sự làm gì? Đâu là chuyên môn thực sự của mình.
Đại dịch cũng thay đổi mô hình hoạt động của các tổ chức, việc này đòi hỏi nhiều kỹ năng làm việc linh hoạt như khả năng tự chủ, kỹ năng sử dụng công nghệ làm việc từ xa cũng khiến một số người gặp khó khăn.
Bản thân
Sau đại dịch, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người lao động có nhu cầu làm việc linh hoạt do họ có nhu cầu ở gần những người thân trong gia đình sau những biến cố dữ dội mà họ đã phải đối mặt.
41% nhân sự trong khảo sát của Wakefield Research cho biết họ sẵn sàng nhận lương thấp hơn nếu công ty cho làm việc linh hoạt.
Sau một khoảng thời gian nhất định, mỗi người sẽ có những tổng kết về công việc, đánh giá nhìn nhận về sự phát triển của bản thân và cân nhắc những định hướng công việc mới. Hoặc đơn giản chỉ là thoát khỏi tình trạng công việc hỗn độn không hồi kết. Hoặc để tìm kiếm động lực để tiếp tục công việc.
Việc thực hiện các ước mơ, mong muốn cũng là một trong những lý do có thể dẫn đến quyết định dừng lại công việc một thời gian.
5 hình thức Gap year phổ biến
Công việc mới
Công việc chính thức mang lại nguồn thu nhập chính cho cuộc sống. Tuy nhiên, những người có chuyên môn sâu có thể làm nhiều việc cùng một lúc và đôi khi các nguồn thu nhập khác còn cao hơn thu nhập chính.
Gap year có thể là thời gian để một người lựa chọn thực hiện một số công việc mà họ thực sự thích và muốn trải nghiệm. Hoặc là để thực hiện nhiệm vụ của các công việc khác cần toàn thời gian trong một giai đoạn nhất định.
Trong cơ quan mình làm trước đây, có một anh có chuyên môn rất tốt và cũng đã thực hiện Gap year công việc ở cơ quan để đi làm chuyên gia cho một dự án tại Nam Á cho một trường đại học ở Châu Âu. Sau khi trở về, năng lượng làm việc cũng tích cực hơn rất nhiều.
Học tập
Nhu cầu này có thể xuất phát từ mong muốn hoàn thiện bản thân hoặc đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng được nâng cao.
Đây là lựa chọn của mình, dừng lại công việc ổn định để hoàn thành một khóa học về xây dựng nội dung để nâng cao giá trị bản thân và thực hiện những mục tiêu xa hơn.
Đi du lịch
Có nhiều người lựa chọn Gap year để thực hiện các chuyến du lịch để khám phá những vùng đất mà họ mong muốn.
Huyền Chíp với hành trình qua 25 nước và xuất bản cuốn sách Xách Ba Lô Lên Và Đi là ví dụ điển hình cho lựa chọn này.
Sức khỏe
Cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần là một lựa chọn khác.
Có những người lựa chọn tập luyện và tham gia các giải thể thao để rèn luyện sức bền và tính kiên trì.
Có những người lựa chọn các biện pháp chữa lành để thấu hiểu bản thân nhiều hơn. Hoặc không làm gì, chỉ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi mình là ai và thực sự mong muốn gì?
Hoặc tham gia các hoạt động từ thiện để tìm được ý nghĩa của cuộc sống.
Chăm sóc gia đình, con cái
Hiện nay, xu hướng các gia đình cho con du học ngày càng nhiều. Có nhiều phụ huynh lựa chọn Gap year để sắp xếp công việc học cho con những ngày đầu xa nhà.
Thuận lợi/khó khăn khi lựa chọn Gap year
Một số khó khăn, thuận lợi cần tính đến trước khi quyết định Gap year:
Thuận lợi
1. Có nhiều thời gian để tập trung học tập và hoàn thiện kỹ năng.
2. Có được nhiều trải nghiệm khác biệt so với công việc đều đều hàng ngày như khám phá các địa điểm mới, mở rộng các mối quan hệ.
3. Có được nhiều thời gian hơn khi các con vào thời điểm thay đổi môi trường.
4. Nâng cao kỹ năng lập kế hoạch, làm việc kỷ luật và quản lý chi tiêu hiệu quả.
5. Trải nghiệm, khám phá và thấu hiểu hơn bản thân.
6. Có thể tìm lại được động lực làm việc và bứt phá nhanh hơn khi quay lại.
7. Các nhà tuyển dụng hiện tại đã có những góc nhìn khác về những khoảng thời gian Gap year đối với các ứng viên có kỹ năng phù hợp.
Khó khăn
1. Bàn giao công việc: sẽ rất khó để thực hiện việc bàn giao và trở lại với những người làm công việc hành chính trừ khi có lý do rất đặc biệt hoặc lựa chọn nghỉ hẳn.
2. Nếu không chuẩn bị tốt về tài chính, sẽ có thể quay lại vòng luẩn quẩn lo lắng tiền bạc vì không đủ chi trả cho các trải nghiệm đã lựa chọn.
3. Áp lực từ gia đình, bạn bè.
4. Có thể bị chậm lại trong việc phát triển so với đồng nghiệp hoặc bạn bè.
Cái bẫy Gap year
Gap year có thể mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng có thể là một cái bẫy nếu như người lựa chọn không phải là người có khả năng thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.
Có thể hết khoảng nghỉ mà những kế hoạch đã đặt ra đều không hoàn thành và không có điều gì được cải thiện thì cũng nên cân nhắc sử dụng các khoảng nghỉ ngắn hơn.
Lập kế hoạch chi tiết cho gap year
Để Gap year thực sự mang lại sự bứt phá, bạn nên có kế hoạch rõ ràng cho thời gian này, cụ thể:
- Xác định nguồn tài chính đảm bảo cho 1 năm hoặc 6 tháng khi đã hoàn thành 1 giai đoạn của việc học tập và có thể tạo ra thu nhập từ kỹ năng mới.
- Trao đổi, thống nhất với những người thân trong gia đình.
- Tìm hiểu kỹ các điều kiện, quy định có liên quan trước khi quyết định nộp giấy xin nghỉ tạm thời hoặc nghỉ hẳn.
- Lập kế hoạch chi tiết cho thời gian nghỉ và có checklist kiểm tra những việc hoàn thành, chứng chỉ hoặc kinh nghiệm để cập nhật vào CV nếu có dự định tiếp tục đi làm ở một đơn vị nào đó.
Trong cuốn sách Khi băn khoăn hãy cùng nói chuyện, tác giả Tsuyoshi Morioka có viết: “Đừng kết hôn với công ty, hãy kết hôn với kỹ năng làm việc của bạn”.
Nếu bạn, một lúc nào đó, tìm được nguồn động lực làm việc ở một lĩnh vực khác công việc hiện tại và muốn trải nghiệm, hãy tìm hiểu, lập kế hoạch cho một năm nghỉ xem.