- Affiliate A bờ cờ
- Posts
- Bạn có thực sự phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Bạn có thực sự phải cân bằng giữa công việc và cuộc sống?
Bạn chắc cũng giống mình, đã luôn tự muốn rành mạch giữa công việc và cuộc sống nhỉ.
Mình thậm chí đã có lúc, mình đã nói với các sếp rằng cuối tuần hoặc ngoài giờ em không làm gì thêm được. Và đúng là thực tế khi về nhà, tụi nhỏ chiếm toàn bộ tâm trí mình.
Trước khi có gia đình, mình cũng không nghĩ sẽ có lúc phải băn khoăn giữa hai điều đó. Không nghĩ có lúc mình ở văn phòng, phải đau đáu con đi trẻ thế nào. Về nhà, trước khi chìm vào giấc ngủ sau những mệt nhoài, đầu vẫn chập chờn những việc còn chưa xong.
Nhưng. Càng ngày, mình càng có góc nhìn khác. Đặc biệt là sau 3 tháng phải tự lo.
Làm tự do giai đoạn đầu, mình đã làm không kể thời gian, vì làm gì có lựa chọn. Nhận việc rồi không làm thì teo.
Nhưng mình lại thực hành được một điều, đó là sự ưu tiên.
Mình đã đọc rất nhiều lý thuyết về sự ưu tiên. Thậm chí, cách đây mấy năm mình còn làm hẳn một quyển sổ cho riêng mình về kế hoạch theo ngày.
Nhưng thực lòng, khi đi làm hành chính, có vẻ điều đó là xa xỉ (bạn cũng có thể thấy trong bảng trên, những thứ tự mà mình buộc phải ưu tiên trước). Và thường thì mình ít theo được các kế hoạch vì những vấn đề xen ngang.
Thậm chí trong nhóm chơi thân, hội chúng nó còn đặt tên cho mình là anh Mai. Tức là hôm nay deadline hỏi mình thì sẽ nhận được câu trả lời mai nhé.
Trước thường thì mình sẽ ưu tiên công việc theo hai nguyên tắc.
Một là, thời gian, tức là deadline cả tháng thì thời gian là cả tháng. Deadline 1 tuần thì là 1 tuần. Nhưng thời gian làm thường sẽ giống nhau chỉ là 1 ngày cuối. Việc đó sẽ được ưu tiên hơn nếu ngày mai là deadline.
Hai là, mức độ ảnh hưởng, tức là công việc có liên quan đến nhiều người hơn thì sẽ được ưu tiên hơn.
Vì lẽ đó, trong thời gian làm freelancer, mình thường có xu hướng rút ngắn hơn thời gian trả sản phẩm. Một trong những lý do là mình có được quy trình làm việc rõ ràng hơn nên có thể tính toán được thời gian hoàn thành. Lý do là lúc đó có ít ưu tiên hơn.
Chưa kể, tự làm, mình được tự quyết khoảng thời gian dành cho công việc và việc nhà nên việc sắp xếp cũng dễ dàng hơn.
Các khoảng thời gian trong ngày được tách bạch, ví dụ:
từ 9h – 12h mình tập trung tốt nhất, mình ưu tiên viết;
từ 1h-3h mình không tập trung được, mình đi bơi, hẹn hò café;
từ 5h-22h là đón bọn trẻ và nấu nướng;
từ 22h – 2h hôm sau mình ưu tiên cho thiết kế hoặc học.
Mình tập trung lại được
Khi tự làm, mình có thể thoải mái tắt điện thoại vào những thời điểm mình tập trung nhất trong ngày là buổi sáng hoặc buổi đêm (à đêm thì chả cần tắt).
Cũng có thể các công việc khi mình chọn làm, là những thứ mình thích nên mình có thể ngồi liên tục trong vòng nhiều giờ cho đến khi cần chuyển sang một công việc khác đã lên lịch.
Điều này khiến mình tự đặt câu hỏi, có phải, khi nghĩ đến việc cần phải cân bằng, là khi mình đang phải làm những việc không hướng đến sự phát triển của bản thân hoặc không có một lý do đủ lớn ở cả hai phía.
Thời gian đó, mình tìm mọi kẽ hở để đọc, để làm việc nhưng vẫn sắp xếp và đồng hành với các con trong những khoảng đầu khoảnh thời gian chuyển nơi học.
Hai điều trên gần như hiển nhiên, nhưng thực hành nó nhiều khi lại rất khó.
Mình đã có một khoảng thời gian rất dài (tầm 10 năm) làm việc với một người có khả năng làm việc bền bỉ đến kinh ngạc.
Qua những câu chuyện, mình biết cô hiểu rõ giá trị của từng công việc cô làm (hướng tới sự phát triển của hệ thống và hướng tới việc hỗ trợ nhiều đối tượng yếu thế).
Cô cũng luôn tâm huyết sửa từng câu chữ với mong muốn hướng dẫn, đào tạo đội ngũ kế cận.
Cô luôn đặt ưu tiên và phân bổ thời gian rất khoa học. Cô chọn khoảng thời gian sáng sớm để làm việc tập trung, anh em nhận được thư trả lời vào 3h sáng là rất bình thường.
Một điều nữa, dù là siêu nhân trong mắt đồng nghiệp, nhưng việc gia đình, cô vẫn chu toàn và chả mấy khi thấy cô cáu.
Mình nghĩ, chúng ta đừng mải tìm kiếm một điểm cân bằng để rồi lỡ dở cả hai. Hãy làm những việc mình cần phải làm hết khả năng của mình. Không làm tốt, sẽ chẳng có thu nhập tốt để lo cho con.
Và, tự đặt những công tắc chuyển đổi tâm trí mỗi khi bước về nhà.
Nhà là dành cho những nụ cười với con, bạn nhé.